Mua bảo hiểm y tế tại Úc dành cho visa Lao Động Kỳ Nghỉ

Bạn cần tắt tính năng chặn quảng cáo

Trình duyệt của bạn đang bật tính năng chặn quảng cáo. Để xem được nội dung bài viết thì bạn cần tắt tính năng này. Vì Website chia sẻ thông tin miễn phí nên lợi nhuận từ quảng cáo sẽ dùng để duy trì và nâng cấp Website. Cám ơn bạn đã thông cảm cho việc này.

Thời gian qua nhiều bạn đã xin thành công visa lao động kỳ nghỉ 462 và bắt đầu chuẩn bị hành trang sang Úc. Tuy nhiên các bạn vẫn chưa rõ cách mua bảo hiểm y tế tại Úc trong thời gian sinh sống tại đó thế nào. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.

Nên mua bảo hiểm y tế tại Úc hay tại Việt Nam?

Câu hỏi này có rất nhiều bạn thắc mắc. Theo kinh nghiệm của bản thân mình thì nếu bạn đã quyết định sinh sống ở Úc thì không nên mua bảo hiểm tại Việt Nam. Tại sao? Tất nhiên phải có nhiều lý do mà bạn cần biết sau đây:

  • Mua bảo hiểm tại Việt Nam thì sau khi bạn sang Úc vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ qua điện thoại và email, nhưng sự hỗ trợ ấy có nhanh và kịp thời không thì không thể nói trước được. Các công ty bảo hiểm ở Việt Nam tuy có liên kết với các cơ sở tại Úc nhưng sẽ bị giới hạn rất nhiều. Ví dụ bạn goi xe cứu thương, xe cứu thương sẽ đưa bạn đến cơ sở y tế gần nhất hoặc tốt nhất ở gần đó, nhưng công ty bảo hiểm chỉ chi trả khi bạn nhập viện vào một trong những bệnh viện được chỉ định nằm trong danh sách của họ, nói chung là kiểu “đúng tuyến” với  “trái tuyến” ấy. Do đó quy trình là bạn sẽ phải gọi điện thoại đến số hỗ trợ khẩn cấp của công ty bảo hiểm trước, nghe họ hướng dẫn xem phải dùng những dịch vụ xe cứu thương nào, và đi đến những bệnh viện nào, .. v….v… Điều này thật mất thời gian trong trường hợp khẩn cấp, và có nguy cơ không được chi trả nếu làm sai gì đó. Cho nên không phải bạn bị bệnh mà cứ xài dịch vụ xe cứu thương hoặc xông vô bệnh viện nào cũng được. Chỉ trong trường hợp công ty bảo hiểm đó là một tập đoàn toàn cầu và có chính sách liên kết trực tiếp đối với bên Úc thì may ra bạn sẽ đỡ được chút rắc rối. Nhưng chung quy là bạn vẫn phải gọi về Việt Nam để được hỗ trợ trước, rồi họ mới gọi sang bên Úc và yêu cầu bên Úc hỗ trợ, công ty bảo hiểm bên Úc lúc ấy mới xem xét và đưa ra hướng dẫn bạn phải làm những gì. Thấy lằng nhằng hông?
  • Mua bảo hiểm tại Việt Nam thì muốn được chi trả các bạn vẫn phải tự thanh toán toàn bộ số tiền dịch vụ y tế trước, sau đó thu thập đủ các giấy tờ mà công ty bảo hiểm yêu cầu, sau đó khi về Việt Nam phải nộp các giấy tờ đó lên công ty rồi công ty mới làm thủ tục thanh toán cho các bạn. Nhớ là khi về Việt Nam mới được thanh toán nhé vì đó là quy trình đúng khi thanh toán bảo hiểm mà bạn mua tại Việt Nam, bạn phải được thanh toán tại Việt Nam và bằng đồng tiền Việt Nam. Trừ khi công ty bảo hiểm đó là công ty toàn cầu và có chính sách gì đó tiện lợi hơn mà bạn có thể được thanh toán tại nước bản địa, nhưng mình thấy hiếm khi có chuyện này. Nói chung thấy bất tiện phải không? Vì giả dụ số tiền dịch vụ y tế quá lớn mà bạn không thể xoay sở nổi phải đi vay để trả trước rồi khi được thanh toán mới xài tiền đó đem trả nợ, mà đợi để được thanh toán ở Việt Nam chắc là ngất ngây con gà tây luôn haha.
  • Trong trường hợp được thanh toán bảo hiểm ở Việt Nam, số tiền bạn nhận được nếu mua bảo hiểm tại Việt Nam có thể sẽ không nhiều. Như mình cũng từng mua bảo hiểm du lịch tại Việt Nam khi qua Úc và New Zealand của một tập đoàn bảo hiểm toàn cầu của Mỹ có chi nhánh tại Việt Nam, mình thấy điều khoản họ thanh toán cho chi phí y tế chẳng thấm vào đâu so với chi phí đắt đỏ tại Úc và New Zealand, vì tỷ giá ngoại tệ khác nhau nên ở Việt Nam nghe có vẻ nhiều cho chi phí một ngày nhưng so với ở bên Úc thì có thể nói là chắc chắn sẽ lỗ nặng nếu bạn phải nhập viện. Và cũng phải đợi khi nào về đến Việt Nam rồi nộp đủ giấy tờ thì mới được thanh toán.

Nói chung mình thấy thật bất tiện nếu bạn đang sinh sống ở một nước này nhưng lại đi mua bảo hiểm tại một nước khác. Và hơn nữa theo mình biết thì loại bảo hiểm cho công dân Việt Nam ở nước ngoài mà mua tại Việt Nam thì chỉ có loại bảo hiểm du lịch, tức là có thể đi du lịch hay công tác gì đó tùy bạn nói chung là đi ra nước ngoài, nhưng chung quy vẫn chỉ gọi là bảo hiểm du lịch. Loại bảo hiểm này tuy bao trọn hết hầu như rủi ro có thể xảy ra ngoài việc hỗ trợ y tế, ví dụ như mất hành lý, trễ hành lý, trễ chuyến bay, hay bị cướp bị mất đồ mất hộ chiếu laptop,..  nhưng nó lại chỉ có thời hạn nhất định, và điều kiện là bạn phải có ngày đi và ngày về Việt Nam, và phải về mới được thanh toán nhé. Đó là lý do một số nơi mời bạn mua bảo hiểm ở Việt Nam nhưng lại nói chỉ có tác dụng trong 6 tháng. Các bạn có thấy kỳ cục khi đã mua bảo hiểm lại chỉ “bảo hành hàng họ” cho chúng mình 6 tháng? Quá 6 tháng không “bảo hành” nữa, làm như chúng mình là hàng Made in China ấy nhỉ haha :)) Đùa chút cho vui 😉

Vậy mua bảo hiểm y tế tại Úc thế nào?

Ở Úc có chương trình y tế của chính phủ gọi là Medicare, nhưng dưới visa sinh sống tạm thời 462 thì chương trình này không dành cho bạn trừ khi bạn có quốc tịch của một trong các quốc gia New Zealand, the United Kingdom, Ireland, Italy, Malta, Finland, Sweden, the Netherlands và Belgium. Do đó mình sẽ không nói sâu về Medicare mà sẽ nói về bảo hiểm y tế tư (Private health insurance) được chính phủ Úc khuyến khích nên dùng.

Dù ngay cả khi bạn được Medicare đài thọ thì bảo hiểm y tế tư vẫn có nhiều ý nghĩa. Bởi dù Medicare rất tốt, nhưng nó không phải là hoàn hảo vì vẫn còn có danh sách dài đang chờ đợi được hưởng Medicare. Nhưng có ai muốn chờ đợi bác sĩ khi đang bị bệnh không? Thêm vào đó, bảo hiểm y tế tư là yêu cầu bắt buộc đối với một số loại thị thực (dù là không bắt buộc với thị thực 462, vì vậy điều quan trọng là bạn phải biết loại nào phù hợp với bản thân.

OVHC là bảo hiểm y tế tư được thiết kế cho khách quốc tế và người làm việc tại Úc, bao gồm tất cả các loại visa sau:

  • Short-term visitors (Khách du lịch ngắn hạn)
  • Long Stay Working visa holders (subclass 457) (Làm việc dài hạn)
  • Skilled Graduate visa holders (subclass 485) (Sinh viên sau đại học có kỹ năng)
  • Tourist visa holders (subclass 676) (Thi thực du lịch)
  • Work and Holiday visa holders (subclass 462) (Thi thực lao động kỳ nghỉ)
  • Temporary visa holders (short stay subclass 100, long stay subclass 101)
  • Retirement visa holders (subclass 410)
  • Norfolk Island residents
  • Vân vân và vân vân mệt quá chẳng dịch mấy dòng sau 462 nữa … =)))

Với bảo hiểm này bạn có thể nhận bảo hiểm cho các dịch vụ khác như nha khoa, các tật về mắt và sinh lý không?

Có đủ nhé ! Gói CombiningExtras (đôi khi còn được gọi là gói điều trị bổ sung, phụ trợ hoặc điều trị chung) với bệnh viện và bảo hiểm y tế cuả OVHC. Gói Extras này sẽ trả tiền cho các dịch vụ được thực hiện ngoài bệnh viện nói chung không được Medicare bao trả, như (mình để nguyên tiếng Anh để dễ hiểu khi bạn sử dụng dịch vụ y tế ở bên đó, vì mình cũng không rành từ chuyên môn y khoa bằng tiếng Việt quá) :

  • Assisted Reproduction Drugs (e.g. IVF)
  • Chiropractic
  • Complementary therapies (e.g. remedial massage, naturopathy, Traditional Chinese Medicine)
  • Dental
  • Dietetics
  • Emergency ambulance
  • Glasses and contact lenses
  • Healthy lifestyle services (e.g. weight loss programs, yoga, pilates, gym membership)
  • Occupational therapy
  • Osteopathy
  • Pharmaceuticals
  • Psychological consultations
  • Physiotherapy
  • Podiatry consultations
  • Speech therapy
  • Vân vân và vân vân …

Nói chung là bây giờ bạn đã biết nên mua bảo hiểm ở đâu và bảo hiểm loại gì rồi. Hơn nữa nó còn là bảo hiểm chính xác dành cho loại thị thực lao động kỳ nghỉ 462 luôn nhé nên an tâm luôn 😉

Các bạn xem hướng dẫn cách mua bảo hiểm OVHC tại đây:

Giá của bảo hiểm này là từ $77.42 / tháng cho gói cơ bản, và từ $112.42 / tháng cho gói cao cấp hơn. So ra với tiền Việt thì nghe có vẻ quá cao, nhưng bạn phải hiểu là mức sống ở bên Úc sẽ khác so với mức sống ở Việt Nam. Số tiền gần 78 AUD đó bạn chỉ cần đi làm một ngày là có đủ tiền cho bảo hiểm một tháng. Do đó không cần phải lo lắng quá nhé.

Điểm cộng cho bảo hiểm của OVHC là bạn có thể thanh toán tại chỗ ngay bằng thẻ thanh toán quốc tế như thẻ visa hoặc master. Và nhận thông tin chi tiết  về bảo hiểm (Certificate of Insurance) qua email. Nghĩa là kể từ khi bạn trôi bồng bềnh trên bầu trời Úc là bạn đã được bảo hiểm toàn bộ tấm body ngọc ngà rồi 😉 ô là la.

Chú ý thêm rằng đây chỉ là bảo hiểm y tế. Nếu bạn muốn bảo hiểm toàn bộ cả chặng bay từ Việt Nam đến Úc thì nên chọn trả thêm chút phí bảo hiểm cho hãng hàng không, đề phòng trường hợp trễ chuyến bay, trễ hành lý ký gửi, mất đồ đạc ,… Hoặc bạn vẫn có thể mua thêm bảo hiểm tại Việt Nam nếu bạn muốn bảo hiểm nhiều cái khác như bảo hiểm nhân thọ hay thậm chí bảo hiểm cả khuôn mặt xinh đẹp của bạn chẳng hạn =))) Đây là quyền tự do lựa chọn của bạn. Bảo hiểm là để giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro nên chẳng ai giới hạn bạn phải mua bảo hiểm nào cả 😀 Tùy vào luật mỗi nước, ví dụ bạn có thể mua một lúc 10 loại bảo hiểm tư, đến khi bạn bị gãy chân chẳng hạn thì bạn sẽ được hưởng số tiền gấp 10 lần chi phí bạn chi để chữa gãy chân =)) Nó là vậy đó 😉


Bài viết đã hơn 1800 từ rồi và mình mất nhiều thời gian để viết. Mong các bạn ủng hộ bằng cách like và share để Nam Anh có thêm động lực viết nhiều bài chất lượng hơn nữa. Và mong các bên khác đừng copy bài viết của mình nhé.

Các bạn cũng có thể tham gia nhóm Hành trình Working Holiday Australia trên Facebook tại đây. Trên group có rất nhiều bạn đã xin được visa rồi sẽ giúp đỡ tư vấn cho các bạn đến sau xin được loại visa này từ Đại Sứ Quán Úc nhé: Bấm vào đây để tham gia Group 

Chúc các bạn luôn mạnh khỏe để làm việc và không có cơ hội xài đến bảo hiểm :)))

BÀI LIÊN QUAN
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
GỬI BÌNH LUẬN